NGUYÊN TẮC "CỦ CÀ RỐT" TRONG QUẢN TRỊ NHÂN SỰ

admin

5/5/2020 3:36:03 PM

Các doanh nhân, lãnh đạo hay nhà quản lý doanh nghiệp hầu như không ai không biết thuật ngữ “cây gậy và củ cà rốt”. Đây là chính sách về thưởng - phạt được những người sử dụng lao động áp dụng nhằm tạo động lực lẫn áp lực để người lao động hoàn thành công việc được giao.

Lý thuyết “cây gậy và củ cà rốt” đã được phổ biến và áp dụng ở nhiều mức độ khác nhau tại hầu hết mọi công ty trên toàn thế giới, trong một thời gian dài.

 Lý thuyết "cây gậy và củ cà rốt" được áp dụng trong quản trị nhân sự

Lý thuyết “cây gậy và củ cà rốt” trong quản trị nhân sự

1. Vua thỏ lúng túng

Sườn núi phía nam có một bầy thỏ. Dưới sự quản lý của vua thỏ Mắt xanh, bầy thỏ có một cuộc sống đầy đủ, vui vẻ. Nhưng thời gian gần đây số lương thực bầy thỏ kiếm về ngày một ít. Vì sao nhỉ? Vua thỏ nhận ra là một số thỏ trở nên lười biếng.

2. Khuyến khích là tất yếu

Vua thỏ nhận ra, số thỏ lười biếng ảnh hưởng xấu tới những con khác. Số thỏ chăm cho rằng làm nhiều làm ít cũng như nhau, vậy nỗ lực để làm gì? Từng con, từng con cũng lười theo. Vậy là vua thỏ quyết tâm thay đổi, tuyên bố thỏ nào biểu hiện tích cực sẽ được thưởng cà rốt.

3. Tuỳ tiện khen thưởng, bất mãn ắt nổi lên

Việc một chú thỏ Xám được vua ban thưởng củ cà rốt đầu tiên làm dậy sóng trong bầy thỏ. Vua thỏ không ngờ tác động của việc khen thưởng lại mạnh như vậy, nhưng lại là tác động xấu.

Mấy lão thỏ tìm vua kể lể tội lỗi của chú thỏ xám, chất vấn vì sao vua ban thưởng? Vua thỏ nói:

- Ta nhận thấy thỏ xám làm việc không tồi. Nếu các anh cũng có biểu hiện tích cực như thỏ xám thì tự nhiên sẽ được khen thưởng.

4. Bầy thỏ học cách "đóng kịch"

Bầy thỏ phát hiện ra bí quyết để được khen thưởng. Cả bọn cho rằng: chỉ cần giỏi “thể hiện” trước vua thỏ là được nhận thưởng cà rốt. Một số bác thỏ chân chất không giỏi “trình diễn” sinh buồn rầu. Dần dà, phong cách làm việc đóng kịch nổi lên trong bầy. Nhiều thỏ chỉ quan tâm làm sao cho vua thỏ vừa lòng nên thậm chí không ngại gian dối. Truyền thống lao động chăm chỉ thật thà của bầy thỏ bị huỷ hoại nghiêm trọng.

5. Có quy củ, việc mới chạy

Để loại bỏ thói làm ăn gian dối, nhờ sự giúp đỡ của nhóm thỏ già, vua thỏ ban bố quy định khen thưởng. Theo đó, thực phẩm bọn thỏ đem về đều phải qua nghiệm thu, sau đó căn cứ vào số lượng mà khen thưởng.

Một thời gian, bầy thỏ làm việc hiệu quả hẳn lên, kho chứa đầy thực phẩm dự trữ.

6. Chú ý cải cách chế độ khen thưởng

Chỉ cần vua thỏ không để ý, năng suất lao động của bầy thỏ sau một thời gian đạt tới cực đỉnh lại xuống dốc thê thảm. Vua thỏ thấy kỳ quái bèn điều tra kỹ lưỡng, nguyên do nguồn thức ăn ở gần đã bị bầy thỏ khai thác hết nhưng không có ai chủ động đi tìm nguồn thức ăn mới.

Một chú thỏ Trắng tai dài chỉ trích vua thỏ chỉ biết đến số lượng, dung dưỡng thói "ăn xổi ở thì", làm hại đến sự phát triển lâu dài của đàn thỏ.

7. Sau khi quy củ bị phá hỏng

Vua thỏ thấy thỏ Trắng tai dài có lý nên lao tâm khổ tứ suy nghĩ. Một hôm, có chú thỏ Xám không hoàn thành nhiệm vụ, bạn chú là Đô Đô liền bớt phần mình giúp thỏ Xám. Vua thỏ nghe chuyện, khen ngợi không ngớt tinh thần giúp bạn của Đô Đô.

Hai hôm sau, tình cờ gặp Đô Đô ở cửa kho, vua thỏ cao hứng thưởng gấp đôi cho Đô Đô. Lệ mới mở ra, phong trào “đóng kịch” lại nổi lên, bầy thỏ lại học cách làm vừa lòng vua thỏ. Những chú thỏ không biết cách làm hài lòng thì tìm đến vua thỏ kêu khóc làm vua thỏ đứng ngồi không yên. Có con nói:

- Sao tôi làm việc chăm chỉ mà phần thưởng lại thua Đô Đô?

Có con nói:

- Lần đó tôi làm việc rất tích cực, hoá ra thu nhập lại ít hơn trước, thật không công bằng!

8. Cà rốt cũng mất tác dụng khen thưởng

Một thời gian sau, tình hình ngày càng căng thẳng, nếu không thưởng hậu hĩnh thì không ai còn muốn làm việc. Thế nhưng không ai làm việc thì lấy đâu cái ăn? Vua thỏ không chịu nổi, phải ban bố thỏ nào tình nguyện cống hiến cho cả bầy sẽ được thưởng một giỏ cà rốt đầy. Bố cáo vừa ban đã có thỏ xin làm tình nguyện. Vua thỏ nghĩ, thưởng hậu tất sẽ có thỏ giỏi.

Nào ngờ số thỏ này vẫn không hoàn thành nhiệm vụ. Vua thỏ giận dữ tới trách móc chúng. Bọn thỏ đều trả lời như nhau:

- Vua thỏ, xin đừng trách chúng tôi. Một khi trong tay đã có cà rốt, ai còn muốn đi làm nữa?

Khen thưởng (chính sách "cà rốt") trong doanh nghiệp nếu được sử dụng không phù hợp sẽ đi ngược lại hoàn toàn với mong muốn của nhà quản trị. Bởi vậy, khi áp dụng chính sách "cà rốt" trong doanh nghiệp, nhà quản trị cần đặc biệt lưu tâm và cân nhắc.

Thái Công binh pháp viết: “Cốt yếu dùng binh là tôn lễ và thưởng hậu. Tôn lễ thì người có trí sẽ tới, thưởng hậu thì người có nghĩa sẽ tận lòng, … Vì thế, người có lễ quy thuận, người được nhận thưởng tranh nhau hy sinh. Còn thưởng thì lính còn hy sinh.” Lễ và thưởng chính là hai loại cà rốt khác nhau.

Chính sách "cà rốt" trong quản trị nhân sự trong tổ chức

Làm người lãnh đạo công ty hay một bộ phận, bạn phải dùng chí tiến thủ của nhân viên để thực hiện mục tiêu kinh doanh. Nếu không khích lệ, tinh thần nhân viên sẽ sa sút, mục tiêu của bạn cũng tan tành. Vì thế, trong một nền văn hoá công ty coi con người là nền tảng thì "cà rốt" hiện hữu ở khắp mọi nơi.

Chính sách cà rốt xưa đã có, nay càng thịnh, là nhà quản trị, bạn cũng cần một số loại cà rốt, kể cả cà rốt không tốn tiền, để xây dựng văn hoá công ty, thúc đẩy động lực nhân viên của mình!

Pushsale.vn - Hệ thống giải pháp quản trị bán lẻ online

📌 Tìm hiểu hệ thống quản lý cho doanh nghiệp SMEs, truy cập: https://bit.ly/2L2ggOU

📌 Fanpage Pushsale.vn: https://bit.ly/3b02V49

📌 Group Cộng đồng Pushsale.vn: https://bit.ly/3fvainU

☎ Hotline: 0983 536 333

Inbox tư vấn miễn phí: https://m.me/pushsalequantribanleonline

Văn Phòng Pushsale.vn:

- Hà Nội: 18 Tam Trinh, Hai Bà Trưng, HN

- HCM: Số 88, đường QL 13, P.26, Q.Bình Thạnh, HCM